CÔNG TY CỔ PHẦN CẤP THOÁT NƯỚC BÌNH ĐỊNH
BINHDINH WATER SUPPLY AND SEWERAGE JOINT STOCK COMPANY
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

CHỈ THỊ KHẨN: Tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 31/1, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng có Chỉ thị khẩn tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.

Thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch tại cửa khẩu, chia sẻ các thông tin về hành khách nhập cảnh với ngành y (Ảnh: internet)

 

Theo Chỉ thị, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh khẩn trương triển khai công tác phòng, chống dịch; phối hợp với ngành y tế tiếp tục tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23/01/2020, của Bộ Y tế tại Chỉ thị số 03/CT-BYT ngày 22/01/2020 và của UBND tỉnh tại Công văn số 465/UBND-VX ngày 22/01/2020; Kiên quyết không để dịch lây lan, phải coi việc phòng, chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu. Các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân thực  hiện  nghiêm  túc  Luật xuất cảnh, nhập cảnh của Công dân Việt Nam, Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật phòng, chống bệnh  truyền  nhiễm; Nghiêm cấm  nhập khẩu động vật hoang dã vào tỉnh; Huy động cả hệ thống chính trị vào công tác phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch này gây ra.

Cụ thể:

1. Sở Y tế có trách nhiệm:

- Căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lây nhiễm, cách ly triệt để, theo dõi các trường hợp có tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm; Chỉ đạo, kiểm tra Cảng Hàng không Phù Cát, Cảng vụ Quy Nhơn giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh, nhất là đối với các trường hợp hành khách đi từ vùng dịch; Quản lý các trường hợp bệnh; Phòng, chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, không để xảy ra các trường hợp người bệnh và cán bộ y tế bị lây nhiễm dịch bệnh do virus nCoV-2019.

- Thành lập Đội Phản ứng nhanh của tỉnh để chủ động ứng phó, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân khi có yêu cầu; Chuẩn bị, hoàn thiện phương án sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc khử trùng, tẩy độc tại các cửa khẩu (đường hàng không, đường bộ, đường thủy).

- Thông tin kịp thời diễn biến tình hình dịch, đưa ra các khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh phù hợp với tình hình dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Xây dựng kịch bản ứng phó với từng tình huống dịch theo chỉ đạo của Bộ Y tế; bảo đảm cơ số thuốc, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch; có hướng dẫn, chỉ đạo quy trình, phác đồ điều trị, hạn chế thấp nhất tử vong.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và chỉ đạo các đơn vị y tế của tỉnh tổ chức cách ly và quản lý những người lao động, làm việc khi phát hiện trường hợp mắc, nghi ngờ mắc bệnh.

2. Sở Du lịch có trách nhiệm:

- Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh nCoV, chỉ đạo các công ty du lịch hủy các tour du lịch, không tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, thành phố đang có dịch, có người mắc bệnh và không đón khách du lịch từ vùng có dịch đến Việt Nam.

- Quản lý và theo dõi chặt chẽ lịch trình, tình hình sức khỏe và khuyến nghị hạn chế di chuyển du khách Trung Quốc hiện đang ở Việt Nam.

- Chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các cơ sở y tế địa phương tổ chức cách ly, quản lý du khách khi phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh.

3. Công an tỉnh có trách nhiệm:

- Phối hợp với ngành y tế thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch ngay tại Cảng Hàng không Phù Cát, Cảng Quy Nhơn.

- Bảo đảm an ninh cho việc cách ly y tế bắt buộc các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh; chia sẻ các thông tin về hành khách nhập cảnh với ngành y tế.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp tung tin không đúng về tình hình dịch, gây hoang mang trong cộng đồng.

4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bội đội biên phòng tỉnh có trách nhiệm:

- Phối hợp với ngành y tế thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch tại cửa khẩu, chia sẻ các thông tin về hành khách nhập cảnh với ngành y tế.

- Chuẩn bị sẵn sàng triển khai bệnh viện dã chiến trong trường hợp dịch lan rộng.

- Chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong các đơn vị quân đội.

5. Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm:

- Triển khai thực hiện tốt các khuyến cáo phòng, chống dịch cho các hành khách trên các phương tiện vận tải; Xem xét thực hiện việc phòng bệnh trên các phương tiện vận tải hành khách.

- Thông báo cho các chủ phương tiện vận tải không được vận chuyển động vật hoang dã vào tỉnh; Khi phát hiện có trường hợp nghi ngờ bị viêm đường hô hấp cấp do do virus Corona gây ra phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để khám, cách ly và điều trị theo quy định.

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

- Chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe của những người lao động, làm việc xuất phát, trở về từ các khu vực đang có dịch tại Trung Quốc.

- Không tổ chức đưa lao động Việt Nam đến các khu vực đang có dịch.

7. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:

- Phối hợp với Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến về công tác phòng, chống dịch.

- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông đăng tải các bản tin về tình hình dịch chính xác, kịp thời và các biện pháp để người dân chủ động phòng, chống dịch, không hoang mang lo lắng, phối hợp với ngành y tế phòng, chống dịch hiệu quả.

- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp tung tin thất thiệt, không đúng về tình hình dịch, gây hoang mang trong cộng đồng và làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm: Phổ biến thông tin về tình hình dịch, các biện pháp phòng, chống dịch tới học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh; Tham gia các hoạt động phòng, chống dịch khi có yêu cầu của ngành y tế.

9. Sở Tài chính có trách nhiệm: Bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch khi có nhu cầu cần thiết.

10. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn quyết liệt sẵn sàng ứng phó với các tình huống phòng chống dịch, hạn chế thấp nhất tử vong; bảo đảm cung cấp đủ phương tiện, vật tư, thuốc, trang thiết bị, kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

11. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo các tổ chức thành viên tích cực, chủ động phối hợp với ngành y tế và chính quyền các cấp thực hiện tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh này.

Sở Y tế chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, thường xuyên báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh tình hình công tác phòng, chống dịch bệnh này.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

(Nguồn: UBND tỉnh Bình Định - Cổng thông tin điện tử Bình Định)

Link gốc bài viết: https://www.binhdinh.gov.vn/inetcloud/portal/main/page/news/chitiet.ivt?intl=vi&id=5e33e552595468526dee40a6

 

 

 


Nguồn: www.binhdinhwaco.com.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan