CƠ CẤU TỔ CHỨC

QUY ĐỊNH

Về phân công nhiệm vụ của Ban điều hành

Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Định

Chương I

TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA

CHỦ TỊCH HĐQT, GIÁM ĐỐC, CÁC PHÓ GIÁM ĐỐC,

KẾ TOÁN TRƯỞNG VÀ CÁC BỘ PHẬN CHỨC NĂNG

 

Điều 1. Ban điều hành Công ty và các bộ phận chức năng

      1. Theo Điều lệ Công ty, Ban điều hành Công ty gồm:

- Giám đốc Công ty

- Phó Giám đốc Công ty phụ trách lĩnh vực tài chính, kinh doanh

- Phó Giám đốc Công ty phụ trách lĩnh vực kỹ thuật

- Kế toán trưởng

      2. Các Phòng nghiệp vụ, Tổ Đội sản xuất, Xí nghiệp trực thuộc gồm:

- Phòng Kỹ thuật

- Phòng Kế toán - Tài chính

- Phòng Kinh doanh

- Phòng Tổ chức hành chính - Lao động tiền lương

- Phòng Quản lý dự án

- Phòng Quản lý chất lượng nước

- Phòng Vi tính

- Tổ Kỹ thuật điện

- Đội Vận hành

- Đội Kiểm tra - Quản lý - Xây dựng hệ thống cấp nước

- Đội Quản lý máy móc thiết bị

- Xí nghiệp cấp nước số 1

- Xí nghiệp cấp nước số 2

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng quản trị

      1. Chủ tịch Hội đồng quản trị do Hội đồng quản trị bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trong số các thành viên Hội đồng quản trị.

      2. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty không được kiêm Giám đốc.

      3. Chủ tịch Hội đồng quản trị có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị;

b) Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ cuộc họp; triệu tập, chủ trì và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng quản trị;

c) Tổ chức việc thông qua nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;

d) Giám sát quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;

đ) Chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông;

e) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.

      4. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị có đơn từ chức hoặc bị bãi miễn, Hội đồng quản trị phải bầu người thay thế trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn từ chức hoặc bị bãi miễn. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị vắng mặt hoặc không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình thì phải ủy quyền bằng văn bản cho một thành viên khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp không có người được ủy quyền hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị chết, mất tích, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì các thành viên còn lại bầu một người trong số các thành viên giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyên tắc đa số thành viên còn lại tán thành cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng quản trị.

      5. Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng quản trị quyết định bổ nhiệm thư ký công ty. Thư ký công ty có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Hỗ trợ tổ chức triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị; ghi chép các biên bản họp;

b) Hỗ trợ thành viên Hội đồng quản trị trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao;

c) Hỗ trợ Hội đồng quản trị trong áp dụng và thực hiện nguyên tắc quản trị công ty;

d) Hỗ trợ Công ty trong xây dựng quan hệ cổ đông và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông; việc tuân thủ nghĩa vụ cung cấp thông tin, công khai hóa thông tin và thủ tục hành chính;

đ) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Giám đốc Công ty

      1. Kiểm tra, đôn đốc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Điều lệ Công ty, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, các nội quy, quy chế và quy định của Công ty;

      2. Điều hành hoạt động hàng ngày của Công ty theo mục tiêu, kế hoạch và các nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị và trước pháp luật khi thực hiện các quyền, nhiệm vụ được giao, gồm:

- Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của Công ty mà không thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;

- Tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;

- Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của Công ty;

- Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của Công ty;

- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong Công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;

- Quyết định tiền lương và lợi ích khác đối với người lao động trong Công ty, kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Giám đốc;

- Tuyển dụng lao động;

- Kiến nghị phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;

- Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị.

      3. Kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ của các Phó Giám đốc Công ty, Kế toán trưởng, Trưởng các Phòng nghiệp vụ, Tổ Đội sản xuất, Xí nghiệp trực thuộc.

      4. Chỉ đạo công tác kỹ thuật, sản xuất và cấp nước của toàn bộ hệ thống cấp nước; xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện công tác cấp nước an toàn.

      5. Trực tiếp quản lý các bộ phận:

            - Phòng Tổ chức hành chính - Lao động tiền lương;

            - Phòng Quản lý dự án;

            - Phòng Kỹ thuật;

            - Đội Kiểm tra - Quản lý - Xây dựng hệ thống cấp nước;

Chủ trì công tác lập kế hoạch để trình Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng quản trị và quản lý thực hiện kế hoạch năm của Công ty.

Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn của các Phó Giám đốc Công ty

      1. Các Phó Giám đốc Công ty là người giúp việc cho Giám đốc Công ty, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Công ty về việc được phân cấp quản lý.

      2. Được thay mặt Giám đốc Công ty điều hành một số mặt hoạt động của Công ty theo phân công nhiệm vụ của Ban điều hành.

Điều 5. Nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Giám đốc Công ty phụ trách lĩnh vực tài chính, kinh doanh

      1. Kiểm tra, đôn đốc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Điều lệ Công ty, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị, các nội quy, quy chế và quy định của Công ty; giúp Giám đốc Công ty giám sát tài chính tại Công ty theo Luật Kế toán và các quy định của Nhà nước.

      2. Quan hệ đối ngoại với các tổ chức và cá nhân để giải quyết nhiệm vụ được giao phục vụ cho công tác sản xuất kinh doanh của Công ty.

      3. Phụ trách công tác tài chính kế toán của toàn Công ty.

      4. Tổ chức thực hiện và kiểm tra công tác kế toán tài chính theo Quy chế tài chính, Quy chế quản lý nợ của Công ty.

      5. Chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện công tác kinh doanh, công tác quản lý ghi chỉ số đồng hồ, thu tiền nước của khách hàng; công tác ứng dụng công nghệ thông tin và các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.

      6. Chỉ đạo công tác quản lý tài sản, sản xuất kinh doanh, cấp nước an toàn, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bão lụt, an toàn vệ sinh lao động,… của Xí nghiệp cấp nước số 1 và Xí nghiệp cấp nước số 2.

      7. Trực tiếp quản lý các bộ phận:

            - Phòng Kế toán - Tài chính;

            - Phòng Kinh doanh;

            - Phòng Vi tính;

            - Xí nghiệp cấp nước số 1;

            - Xí nghiệp cấp nước số 2.

      8. Tham gia và đề xuất lập quy hoạch cấp nước thuộc địa bàn phục vụ nước sạch Xí nghiệp cấp nước số 1 và Xí nghiệp cấp nước số 2; lập kế hoạch công tác hàng năm của Công ty và kế hoạch chiến lược thuộc lĩnh vực trực tiếp quản lý.

      9. Thực hiện nhiệm vụ được giao đúng chương trình kế hoạch, đúng pháp luật và các quy định hiện hành của Nhà nước.

      10. Thực hiện nhiệm vụ khác khi được Giám đốc Công ty giao.

Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Giám đốc Công ty phụ trách lĩnh vực kỹ thuật

      1. Kiểm tra, đôn đốc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Điều lệ Công ty, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị, các nội quy, quy chế và quy định của Công ty; giúp Giám đốc quản lý công tác kỹ thuật của Công ty.

      2. Quan hệ đối ngoại với các tổ chức và cá nhân để giải quyết nhiệm vụ được giao phục vụ cho công tác sản xuất kinh doanh của Công ty.

      3. Chỉ đạo công tác kiểm định đồng hồ đo nước lạnh theo quy trình kiểm định đồng hồ đo nước ĐLVN 17:2017 và công tác quản lý, kiểm tra chất lượng nước sạch theo hệ thống quản lý chất lượng ISO/IEC 17025.

      4. Chỉ đạo công tác bảo dưỡng, thổi rửa, sửa chữa các giếng bơm và thiết bị máy bơm; công tác kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống điện trong toàn Công ty.

      5. Chịu trách nhiệm đề xuất Giám đốc Công ty về việc phát triển kỹ thuật, sử dụng và áp dụng công nghệ mới phù hợp với chiến lược phát triển chung của Công ty; giúp Giám đốc Công ty trong việc thúc đẩy phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.

      6. Trực tiếp quản lý các bộ phận:

            - Phòng Quản lý chất lượng nước;

            - Tổ Kỹ thuật điện;

            - Đội Quản lý máy móc thiết bị.

            - Đội Vận hành.

      7. Tham gia và đề xuất lập quy hoạch cấp nước thuộc địa bàn phục vụ nước sạch khu vực TP-Quy Nhơn, lập kế hoạch công tác hàng năm của Công ty và kế hoạch chiến lược thuộc lĩnh vực trực tiếp quản lý;

      8. Thực hiện nhiệm vụ được giao đúng chương trình kế hoạch, đúng pháp luật và các quy định hiện hành của Nhà nước;

      9. Thực hiện nhiệm vụ khác khi được Giám đốc Công ty giao.Điều 7.

Điều 7. Nhiệm vụ và quyền hạn của Kế toán trưởng

      1. Kiểm tra, đôn đốc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Điều lệ Công ty, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị, các nội quy, quy chế và quy định của Công ty; giúp Giám đốc Công ty giám sát tài chính tại Công ty theo Luật Kế toán và các quy định của Nhà nước.

      2. Quản lý các mặt hoạt động theo quy định của Nhà nước đối với vai trò là Kế toán trưởng.

      3. Quan hệ đối ngoại với các tổ chức và cá nhân để giải quyết nhiệm vụ được giao phục vụ cho công tác sản xuất kinh doanh của Công ty.

      4. Quản lý các khoản thu, chi, các khoản nợ, các loại tài sản ngắn hạn, tiền gửi, tiền vay…; tổ chức hạch toán, chi phí đúng quy định của Nhà nước; định kỳ tổng hợp báo cáo theo quy định.

      5. Lập và điều chỉnh kế hoạch tài chính hàng năm.

      6. Phối hợp với các bộ phận liên quan tổ chức kiểm kê, đánh giá, quản lý tài sản.

      7. Có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kế toán, kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính, các nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ, kiểm tra việc quản lý sử dụng tài sản và nguồn hình thành tài sản, phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính kế toán.

      8. Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán theo đối tượng và nội dung công việc kế toán, theo chuẩn mực và chế độ kế toán.

      9. Phân tích thông tin, số liệu kế toán; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán.

      10. Chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra về mặt nghiệp vụ của Ban kiểm soát Công ty và các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực tài chính.

      11. Trực tiếp chỉ đạo và kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ của phòng Kế toán-Tài chính.

Chương II

NHIỆM VỤ, TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA TRƯỞNG,

PHÓ PHÒNG, TỔ TRƯỞNG, ĐỘI TRƯỞNG, ĐỘI PHÓ SẢN XUẤT

 

Điều 1. Quy định chung

         1. Trưởng các Phòng nghiệp vụ, Tổ Đội sản xuất và Giám đốc Xí nghiệp trực thuộc trong Công ty khi làm việc với Giám đốc, Phó Giám đốc xem như là làm việc với Chủ tịch HĐQT Công ty. Các quyết định của Giám đốc, Phó Giám đốc xem như là Quyết định của Chủ tịch HĐQT Công ty và phải được chấp hành nghiêm túc.

         2. Trưởng các Phòng nghiệp vụ, Tổ trưởng, Đội trưởng và Giám đốc Xí nghiệp trực thuộc có trách nhiệm tổ chức triển khai kịp thời, đúng chương trình kế hoạch và có chất lượng các nhiệm vụ công tác được Chủ tịch HĐQT, Ban điều hành Công ty giao, không ỷ lại và không để cho Chủ tịch HĐQT, Ban điều hành Công ty phải làm thay phần việc của các bộ phận chức năng tham mưu.

 Điều 2. Nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của Trưởng Phòng, Đội trưởng, Tổ trưởng

      1. Nhiệm vụ:

a) Trưởng Phòng, Tổ trưởng, Đội trưởng sản xuất có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Chủ tịch HĐQT, Ban điều hành Công ty trong quản lý, điều hành công việc;

b) Quản lý tài sản của Công ty đã giao cho Phòng, Tổ và Đội quản lý;

c) Trực tiếp quản lý, điều hành và xây dựng kế hoạch làm việc cho người lao động thuộc quyền;

d) Xây dựng kế hoạch công tác tuần, tháng, quý, 6 tháng, cả năm và thực hiện chế độ báo cáo tháng, quý, năm bằng văn bản cho Chủ tịch HĐQT, Ban điều hành Công ty thông qua các cuộc họp giao ban công tác tháng, quý và Hội nghị tổng kết nhiệm vụ công tác cuối năm.

     2. Trách nhiệm và quyền hạn:

a) Chịu trách nhiệm về nhiệm vụ của mình, của bộ phận mình phụ trách trước Chủ tịch HĐQT, Ban điều hành Công ty và toàn thể người lao động;

b) Điều hành, phân công và kiểm tra công việc của các nhân viên thuộc quyền;

c) Yêu cầu người lao động thuộc quyền báo cáo chương trình công tác, kết quả công việc được giao và kiến nghị giải quyết những khó khăn vướng mắc;

d) Nhận xét, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động thuộc quyền làm cơ sở xét mức độ hoàn thành công việc hàng tháng, quý và đề xuất khen thưởng, kỷ luật;

đ) Đề xuất chương trình công tác với Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty qua các kỳ họp công tác tháng, kiến nghị những biện pháp để hoàn thành công việc được giao;

e) Tham dự các cuộc họp giao ban công tác tháng, quý và các cuộc họp khác khi có thông báo mời họp;

g) Chịu trách nhiệm kiểm tra các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, chế độ đối với người lao động trước lúc trình Chủ tịch HĐQT, Ban điều hành Công ty phê duyệt;

h) Tổ chức các cuộc họp của Phòng, Tổ và Đội hàng tháng, hàng quý và các cuộc họp đột xuất khi cần thiết.

 Điều 3. Nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của Phó Phòng, Đội phó

      1. Nhiệm vụ:

a) Giúp Trưởng Phòng, Đội trưởng thực hiện nhiệm vụ công tác của Phòng, của Đội đã được Chủ tịch HĐQT, Ban điều hành Công ty giao;

b) Trực tiếp giúp Trưởng Phòng, Đội trưởng điều hành một số công việc của Phòng, của Đội khi được Trưởng Phòng, Đội trưởng giao và chịu trách nhiệm về công việc được giao;

c) Trực tiếp điều hành người lao động dưới quyền khi được Trưởng Phòng, Đội trưởng uỷ quyền, chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng, Đội trưởng về công việc được ủy quyền;

d) Giúp Trưởng Phòng, Đội trưởng xây dựng chương trình công tác của Phòng, của Đội và báo cáo kết quả công việc của Phòng, của Đội đã thực hiện.

      2. Trách nhiệm và quyền hạn:

a) Được quyền phân công người lao động trong Phòng, Đội triển khai công tác khi được Trưởng Phòng, Đội trưởng phân công, uỷ quyền yêu cầu người lao động trong Phòng, Đội báo cáo kết quả công việc của Phòng, của Đội theo công việc được phân công;

b) Tham dự các cuộc họp giao ban tháng và các cuộc họp khác của Công ty khi có thông báo mời họp;

c) Thay mặt Trưởng Phòng, Đội trưởng điều hành mọi công việc khi Trưởng Phòng, Đội trưởng vắng mặt; việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản.

Chương III

CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ

CỦA CÁC PHÒNG NGHIỆP VỤ, TỔ ĐỘI SẢN XUẤT

 

Điều 1. Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Kỹ thuật

      1. Chức năng:

a) Quản lý kỹ thuật toàn bộ hệ thống cấp nước của Công ty;

b) Xây dựng kế hoạch sản xuất và phân phối nước sạch phục vụ khách hàng;

c) Cung ứng vật tư, thiết bị và văn phòng phẩm thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh;

d) Quản lý, kiểm tra, vận hành, cung cấp nước sạch xã Nhơn Châu theo hợp đồng đã ký kết giữa Công ty và Ban Quản lý dịch vụ công ích TP-Quy Nhơn;

đ) Tổ chức xây dựng chương trình quản lý tài sản, mạng lưới cấp nước để phục vụ công tác điều hành sản xuất kinh doanh của Công ty;

e) Thực hiện công tác chống thất thoát.

      2. Nhiệm vụ:

a) Quản lý kỹ thuật toàn bộ hệ thống cấp nước TP-Quy Nhơn và các Trạm bơm toàn Công ty phục vụ sản xuất kinh doanh của Công ty;

b) Lập thiết kế dự toán các công trình cấp nước theo kế hoạch Công ty giao;

c) Kiểm tra, giám sát thi công lắp mới, sửa chữa cải tạo các hạng mục của hệ thống cấp nước, súc xả các tuyến ống cấp nước theo đúng quy phạm kỹ thuật và quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng công trình;

d) Phối hợp nghiệm thu khối lượng thi công xây lắp hệ thống cấp nước đã hoàn thành của các Xí nghiệp trực thuộc để Phòng Kế toán-Tài chính làm thủ tục quyết toán.

đ) Lập kế hoạch:

đ1) Kiểm tra, sửa chữa, thay thế những đoạn ống cấp nước và các thiết bị hư hỏng trên mạng đường ống cấp nước;

đ2) Kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các máy bơm và thổi rửa các giếng nước ngầm;

đ3) Vận hành bơm đảm bảo công suất cấp nước và tiết kiệm điện theo từng mùa trong năm.

e) Xây dựng, kiểm tra quy trình vận hành các Trạm bơm trong hệ thống cấp nước;

g) Phối hợp với Phòng TCHC-LĐTL và Phòng Kế toán-Tài chính xây dựng định mức vật tư, nhiên liệu và đơn giá khoán sản phẩm cho các Đội sản xuất để Chủ tịch HĐQT Công ty ban hành theo thẩm quyền;

h) Phối hợp với Phòng TCHC-LĐTL kiểm tra việc vi phạm hệ thống đường ống cấp nước.

i) Cung ứng vật tư, thiết bị điện, nhiên liệu phục vụ cho công tác thi công xây lắp công trình cấp nước, công tác kiểm định đồng hồ đo nước lạnh và cung ứng văn phòng phẩm cho toàn Công ty.

k) Quản lý, chỉ đạo Tổ Cấp nước Nhơn Châu thực hiện một số công việc sau:

k1) Quản lý kỹ thuật toàn bộ hệ thống cấp nước, hệ thống điện và các trạm bơm hiện có để phục vụ cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên đảo; lập kế hoạch phân chia mạng lưới để quản lý thất thu thất thoát;

k2) Phối hợp với các đơn vị khi thi công công trình ngầm nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống đường ống cấp nước;

k3) Quản lý áp lực, quản lý lưu lượng, kiểm tra hàng ngày tài sản, tình trạng hoạt động các đường ống và thiết bị trên mạng cấp nước nhằm phát hiện và sửa chữa kịp thời các sự cố;

k4) Vận hành mạng cấp nước đúng theo phương án được duyệt;

k5) Quản lý chất lượng nước trên tuyến truyền dẫn, tuyến phân phối và mạng dịch vụ theo đúng quy trình; định kỳ hàng tháng báo cáo chất lượng nước tại các giếng bơm, hồ chứa nước và mạng đường ống;

k6) Kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị trên mạng và súc xả đường ống cấp nước; vận hành máy phát điện, bảo vệ tuần tra hồ chứa nước; nạo vét lòng hồ và cửa thu; đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời nhằm đảm bảo chất lượng nước sản xuất đạt tiêu chuẩn quy định;

k7) Thực hiện ghi đọc đồng hồ và quản lý khách hàng có ký Hợp đồng dịch vụ cấp nước với Công ty.

l) Quản lý, chỉ đạo Tổ Quản lý hệ thống cấp nước thực hiện một số công việc sau:

l1) Phối hợp với các Phòng nghiệp vụ, Tổ Đội sản xuất, Xí nghiệp trực thuộc thu thập thông tin, số liệu liên quan đến từng tài sản để cập nhật vào chương trình quản lý tài sản;

l2) Thực hiện chuẩn hóa lại số liệu về hệ thống đường ống, van,…;

l3) Lập kế hoạch thực hiện chống thất thu, thất thoát cho TP-Quy Nhơn;

l4) Thực hiện dò tìm rò rỉ trên các tuyến ống phân phối, từ điểm đấu nối đến đồng hồ, đồng thời tăng cường kiểm tra tại điểm giao cắt với cống thoát nước, qua đường giao thông và mở rộng dò tìm trên tuyến ống cấp II;

l5) Đề xuất phương án phân vùng tách mạng, phối hợp các bộ phận liên quan lập kế hoạch lắp đặt đồng hồ tổng, thay thế đồng hồ điện từ các khách hàng sử dụng nước nhiều để giảm tỉ lệ thất thoát.

Điều 2. Chức năng, nhiệm vụ của Phòng TCHC-LĐTL

      1. Chức năng:

            a) Tổ chức lao động;

            b) Lao động tiền lương;

            c) Hành chính;

            d) An ninh chính trị, bảo vệ nội bộ.

      2. Nhiệm vụ:

      a) Công tác tổ chức lao động:

a1) Dự báo nhu cầu sử dụng lao động của toàn Công ty theo từng thời kỳ để có kế hoạch tuyển dụng;

a2) Tổ chức thi tuyển để chọn lựa những ứng viên đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của Công ty;

a3) Theo dõi, quản lý và chuẩn bị các điều kiện pháp lý để ký Hợp đồng lao động toàn Công ty;

a4) Thực hiện chế độ chính sách khen thưởng, kỷ luật;

a5) Tham mưu cho Chủ tịch HĐQT, Ban điều hành Công ty trong việc sắp xếp và điều động nhân sự theo yêu cầu sản xuất kinh doanh của Công ty từng năm, từng thời kỳ;

a6) Xây dựng kế hoạch đào tạo người lao động đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo từng giai đoạn phát triển của Công ty;

a7) Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho người lao động đúng quy định Nhà nước và quy chế của Công ty;

a8) Tổ chức thi bậc thợ, nâng bậc lương, bổ túc, tập huấn, nâng cao tay nghề và trình độ cho người lao động;

a9) Theo dõi, xây dựng, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các Nội quy, Quy chế, Quy định của toàn Công ty;

a10) Quản lý hồ sơ người lao động trong toàn Công ty theo quy định của Nhà nước.

      b) Công tác lao động:

b1) Xây dựng và trình Chủ tịch HĐQT Công ty hoặc người được uỷ quyền ban hành các chính sách về lao động của Công ty trên cơ sở Bộ Luật lao động, các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các văn bản pháp luật khác về lao động;

b2) Kiểm tra năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động của các Phòng nghiệp vụ, Tổ Đội sản xuất và Xí nghiệp trực thuộc;

b3) Xây dựng định mức lao động, kế hoạch sử dụng lao động toàn Công ty hàng năm;

b4) Phối hợp cùng Đội Kiểm tra-Quản lý-Xây dựng hệ thống cấp nước để kiểm tra chấp hành nội quy lao động, chấp hành các quy chế của Công ty;

b5) Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động hàng năm, quy chế về an toàn lao động, quy định về sử dụng trang bị BHLĐ trong toàn Công ty;

b6) Kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động toàn Công ty;

b7) Giải quyết các chế độ, chính sách về lao động theo quy định của pháp luật;

b8) Kiểm tra việc thực hiện công tác vệ sinh, an toàn lao động nơi làm việc của văn phòng Công ty, các trạm bơm;

b9) Thường xuyên kiểm tra đồng phục của người lao động.

      c) Công tác tiền lương:

c1) Xây dựng đơn giá tiền lương hàng năm của toàn Công ty theo quy định của Nhà nước;

c2) Xây dựng và kiểm tra việc thực hiện Quy chế trả lương cho từng bộ phận và toàn Công ty trên cơ sở Bộ Luật lao động, các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các văn bản pháp luật khác về tiền lương, tiền công;

c3) Thanh toán các khoản thu nhập cho người lao động theo quy định của Nhà nước và quy định của Công ty;

c4) Theo dõi và xét nâng lương cho người lao động toàn Công ty;

c5) Thanh toán tiền lương hàng tháng, quý, năm cho người lao động theo quy định của Nhà nước và quy chế phân phối quỹ tiền lương của Công ty. Kiểm tra và điều chỉnh việc chấm điểm mức độ phức tạp, tính trách nhiệm công việc của người lao động;

c6) Theo dõi, ghi chép và bảo quản sổ BHXH của người lao động Công ty, Xí nghiệp cấp nước số 1 và số 2 theo đúng quy định của Nhà nước; thực hiện chế độ BHXH, BHYT, BHTN, nghỉ phép, thai sản, ốm đau, thăm nuôi, chăm lo đời sống cho người lao động toàn Công ty ngày lễ, Tết.

      d) Công tác Hành chính:

d1) Chuẩn bị công tác hành chính, lễ tân cho các cuộc hội họp, lễ Tết;

d2) Kiểm tra, phát hiện những hư hỏng, xuống cấp của văn phòng làm việc, nhà trạm, trạm bơm và đề nghị sửa chữa kịp thời;

d3) Phối hợp với Phòng Kỹ thuật, Phòng Quản lý chất lượng nước, Đội Vận hành, Xí nghiệp cấp nước số 1 và số 2 thường xuyên kiểm tra vệ sinh an ninh nguồn nước của Trạm bơm giếng, Nhà máy xử lý nước Phú Tài, các Nhà máy XLN tại các huyện, thị xã và kiểm tra việc vi phạm hệ thống đường ống cấp nước;

d4) Kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai Công ty theo đúng quy định của pháp luật về đất đai;

d5) Nhận, chuyển công văn giấy tờ và bảo quản, sử dụng khuôn dấu theo quy định của Nhà nước và quy chế công tác văn thư lưu trữ của Công ty;

d6) Soạn thảo, đánh máy, lưu trữ hồ sơ tài liệu, các biên bản cuộc họp tháng, quý, năm, biên bản họp Hội đồng Công ty và các văn bản, giấy tờ khác.

đ) Công tác bảo vệ, an ninh chính trị nội bộ:

đ1) Tổ chức phân công và kiểm tra công tác bảo vệ, công tác an ninh trật tự tại văn phòng làm việc, các bể chứa nước và tài sản khác của Công ty;

đ2) Lập kế hoạch và kiểm tra công tác phòng chống bão lụt hàng năm

Điều 3. Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Kế toán-Tài chính

      1.Chức năng:

Thực hiện những công việc về chuyên môn, nghiệp vụ tài chính kế toán theo đúng quy định của Nhà nước về chuẩn mực kế toán, nguyên tắc kế toán.

      2. Nhiệm vụ:

a) Tổ chức, thực hiện công tác kế toán tài chính trong toàn Công ty;

b) Thực hiện nghiêm túc Luật Kế toán, các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư của Bộ Tài chính và các văn bản pháp luật khác có liên quan;

c) Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán theo đối tượng và nội dung công việc kế toán, theo chuẩn mực và chế độ kế toán;

d) Kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính, các nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ; kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản và nguồn hình thành tài sản; phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán;

đ) Phân tích thông tin, số liệu kế toán; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán;

e) Cung cấp thông tin, số liệu kế toán theo quy định của pháp luật;

g) Xây dựng quy chế tài chính, quy chế quản lý nợ, quy chế công bố thông tin để Giám đốc Công ty trình Hội đồng quản trị ban hành và tổ chức, giám sát việc thực hiện quy chế;

h) Xây dựng kế hoạch tài chính của Công ty, kiểm tra và hướng dẫn các bộ phận thực hiện kế hoạch tài chính;

i) Tổng hợp phân tích tình hình tài chính của Công ty từng tháng, quý, năm báo cáo Chủ tịch HĐQT, Ban điều hành Công ty kịp thời để có biện pháp chỉ đạo công tác sản xuất kinh doanh toàn Công ty;

k) Hạch toán kinh tế toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty theo đúng quy định của Nhà nước;

l) Thường xuyên kiểm tra hoá đơn chứng từ, thực hiện thu chi theo đúng quy định;

m) Lập thủ tục ký kết Hợp đồng dịch vụ cấp nước giữa Công ty và khách hàng sử dụng nước mới;

n) Bảo quản và lưu giữ các hoá đơn, chứng từ, tài liệu kế toán theo quy định Nhà nước; phối hợp với các bộ phận khác thực hiện công tác kiểm kê đánh giá tài sản của Công ty hàng năm theo quy định Nhà nước;

o) Thực hiện chế độ Báo cáo thuế hàng tháng, quý, năm theo hướng dẫn của Cục thuế; thực hiện việc nộp thuế và các khoản phải nộp khác phát sinh tại Công ty; lập báo cáo tài chính hàng năm theo hướng dẫn của Sở Tài chính;

p) Quản lý Hợp đồng kinh tế, tài sản cố định, vật tư thiết bị, công cụ, dụng cụ sản xuất kinh doanh;

q) Thực hiện việc thanh, quyết toán công trình; theo dõi và thu hồi các khoản nợ;

r) Quản lý, cất giữ và bảo quản vật tư, hàng hoá, kho, quỹ theo đúng quy định của Nhà nước;

s) Phối hợp với Phòng TCHC-LĐTL và Phòng Kỹ thuật xây dựng đơn giá khoán sản phẩm cho các Đội sản xuất.

Điều 4. Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Kinh doanh

      1. Chức năng: Quản lý khách hàng sử dụng nước toàn Công ty.

      2. Nhiệm vụ:

a) Kiểm tra số liệu ghi chỉ số đồng hồ của Tổ Ghi thu 1, 2, 3 thuộc Đội Kiểm tra-Quản lý-Xây dựng hệ thống cấp nước, Tổ Cấp nước Nhơn Châu cập nhật về máy chủ, tổng hợp số liệu chuẩn thu và phát hành hóa đơn thu tiền nước;

b) Giải quyết các vấn đề liên quan đến Hợp đồng dịch vụ cấp nước của khách hàng. Các kiến nghị, đề nghị, thắc mắc của khách hàng liên quan đến việc lắp đặt, thay thế vật tư, sử dụng nước, kiểm định đồng hồ phải được giải quyết thoả đáng, kịp thời trên cơ sở Hợp đồng dịch vụ cấp nước với phong cách phục vụ tốt;      

c) Nhận đơn đề nghị lắp đặt hệ thống cấp nước sinh hoạt;

d) Giao bảng dự toán thiết kế lắp đặt hệ thống cấp nước cho khách hàng;

đ) Kiểm tra các điều kiện của khách hàng và lập thủ tục ký lại Hợp đồng dịch vụ cấp nước giữa Công ty và khách hàng;

e) Quản lý, theo dõi Hợp đồng dịch vụ cấp nước giữa Công ty và khách hàng sử dụng nước sạch; cập nhật hồ sơ lắp đặt đồng hồ mới vào “Chương trình Quản lý khách hàng” để triển khai công tác ghi thu tiền nước trong tháng đầu tiên; theo dõi, cập nhật hồ sơ đấu nối của khách hàng;

g) Theo dõi và thu hồi công nợ tiền nước, vật tư của khách hàng sử dụng nước sạch theo quy định Công ty và Hợp đồng ký kết với khách hàng, kịp thời phát hiện và lập danh sách khách hàng chậm nộp tiền sử dụng nước để có kế hoạch thu vét; lập thông báo ngừng cung cấp nước khi khách hàng vi phạm Hợp đồng dịch vụ cấp nước;

h) Thông báo đấu trả lại nước khi khách hàng đã khắc phục hành vi vi phạm; lập dự toán vật tư phục vụ cho việc đấu trả lại nước của khách hàng;

i) Thống kê các trường hợp sử dụng nước bất thường chuyển Đội Kiểm tra-Quản lý-Xây dựng hệ thống cấp nước xử lý kịp thời;

k) Đôn đốc Tổ Ghi thu 1, 2, 3 thuộc Đội Kiểm tra-Quản lý-Xây dựng hệ thống cấp nước, Tổ Cấp nước Nhơn Châu ghi, thu và nộp tiền sử dụng nước của khách hàng đúng thời gian quy định;

l) Quyết toán tiền nước thu được hàng tháng và làm báo cáo doanh thu, theo dõi việc thanh toán tiền nước khách hàng của Công ty, Tổ Cấp nước Nhơn Châu, Xí nghiệp cấp nước số 1 và số 2;

m) Kiểm tra và phát hành hoá đơn tiền nước của Công ty theo đúng quy định;

n) Tổng hợp các số liệu về hoạt động cung cấp và sử dụng nước sạch phục vụ công tác chống thất thu, thất thoát, công tác quản lý sản xuất kinh doanh toàn Công ty;

o) Phối hợp với Đội Kiểm tra-Quản lý-Xây dựng hệ thống cấp nước xây dựng kế hoạch kiểm tra tất cả đồng hồ đo nước không còn tính năng đo đếm, không còn độ chính xác cho phép, bị biến dạng và có khả năng gian lận của khách hàng;

p) Lập kế hoạch kiểm định đồng hồ theo kế hoạch kiểm định đồng hồ của Công ty;

q) Tiếp nhận hồ sơ, thủ tục kiểm định đồng hồ từ Đội Kiểm tra-Quản lý-Xây dựng hệ thống cấp nước và bàn giao cho Tổ Kiểm định đồng hồ thuộc Phòng Quản lý chất lượng nước kèm theo biên bản giao nhận;

r) Tiếp nhận số liệu báo cáo kiểm tra và đề nghị kiểm định đồng hồ từ Đội Kiểm tra-Quản lý-Xây dựng hệ thống cấp nước;

s) Tiếp nhận từ Tổ Kiểm định đồng hồ thuộc Phòng Quản lý chất lượng nước số đồng hồ có kết quả kiểm định đạt để lập thủ tục nhập kho tái sử dụng; số đồng hồ có kết quả kiểm tra, kiểm định không đạt và lập biên bản nhập kho để thanh lý.

Điều 5. Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Quản lý dự án

      1. Chức năng: Quản lý các dự án do Công ty làm Chủ đầu tư.

      2. Nhiệm vụ:

a) Quản lý các dự án do Công ty làm Chủ đầu tư theo đúng quy định hiện hành;

b) Lập dự án cấp nước cho các khu tái định cư, khu dân cư, khu kinh tế, thị trấn huyện lỵ trong tỉnh theo kế hoạch Công ty giao;

c) Lập báo cáo KT-KT hoặc thiết kế dự toán các công trình cấp nước theo kế hoạch Công ty giao;

d) Tổ chức đấu thầu, giao thầu, ký hợp đồng các công trình theo quy định của Nhà nước;

đ) Thực hiện chức năng của Chủ đầu tư về công việc đền bù thiệt hại do GPMB để thực hiện dự án theo hướng dẫn Nhà nước về việc đền bù thiệt hại khi thu hồi đất để xây dựng công trình;

e) Thực hiện chức năng giám sát của Chủ đầu tư đối với các dự án do Công ty làm Chủ đầu tư;

g) Tổ chức nghiệm thu khối lượng hạng mục công trình hoàn thành để Phòng Kế toán-Tài chính làm thủ tục quyết toán;

h) Tổ chức bàn giao công trình hoàn thành đưa vào sử dụng và kiểm tra giải quyết những sự cố xảy trong thời gian bảo hành công trình;

i) Kiểm tra, lập kế hoạch và thiết kế, dự toán trình thẩm định và phê duyệt để có cơ sở ký hợp đồng thi công sửa chữa, làm mới các công trình theo nhiệm vụ được giao hoặc theo đề nghị của các Phòng nghiệp vụ và Tổ Đội sản xuất.

Điều 6. Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Quản lý chất lượng nước

      1. Chức năng:

a) Quản lý, kiểm tra chất lượng nước sạch trước khi cung cấp cho khách hàng;

b) Cung ứng vật tư, thiết bị phục vụ công tác quản lý chất lượng nước của Công ty, Xí nghiệp cấp nước số 1 và số 2;

c) Kiểm định đồng hồ đo nước lạnh.

      2. Nhiệm vụ:

a) Quản lý, kiểm tra chất lượng nước:

a1) Kiểm soát chất lượng nước dưới đất tại các trạm giếng bơm, nước thành phẩm tại các Nhà máy xử lý nước và trên mạng lưới phân phối của Công ty, Xí nghiệp cấp nước số 1 và số 2 theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế;

a2) Kiểm tra chế độ vận hành, liều lượng hóa chất xử lý và khử trùng nước tại các Nhà máy xử lý nước, trạm bơm tăng áp, bể chứa, trên mạng lưới tuyến ống của Công ty, Xí nghiệp cấp nước số 1 và số 2;

a3) Duy trì thực hiện xét nghiệm mẫu nước theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 17025;

a4) Kiểm soát chất lượng nước qua từng công đoạn xử lý tại Nhà máy xử lý nước Phú Tài và tuần tra, giám sát chất lượng nước trên mạng lưới cấp nước trong khu vực TP-Quy Nhơn;

a5) Kiểm soát chất lượng nước của Nhà máy xử lý nước Hà Thanh, công trình Hồ chứa nước ngọt xã Nhơn Châu theo quy định của Bộ Y tế và Hợp đồng đã ký kết;

a6) Kiểm tra và khắc phục các trường hợp nước đục cục bộ do bể ống, do thi công đấu nối và khi có yêu cầu của khách hàng;

a7) Giám sát, kiểm tra việc thực hiện quản lý chất thải thông thường, chất thải nguy hại tại Công ty, Xí nghiệp cấp nước số 1 và số 2;

a8) Liên hệ với đơn vị chức năng thực hiện báo cáo giám sát môi trường định kỳ tại các Nhà máy xử lý nước của Công ty, Xí nghiệp cấp nước số 1 và số  2 theo quy định;

a9) Phối hợp với Phòng TCHC-LĐTL kiểm tra vệ sinh an ninh nguồn nước các bãi giếng, trạm bơm, bể chứa, Nhà máy xử lý nước của Công ty, Xí nghiệp cấp nước số 1 và số 2. Đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời các sự cố gây ảnh hưởng đến an toàn, vệ sinh chất lượng nước tại Công ty, Xí nghiệp cấp nước số 1 và số 2 và hộ dân;

a10) Đề xuất các giải pháp cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới công nghệ xử lý nước tại các Nhà máy xử lý nước khi chất lượng nước không đạt yêu cầu;

a11) Liên hệ cung cấp đầy đủ vật tư, thiết bị phục vụ công tác quản lý chất lượng nước của Công ty, Xí nghiệp cấp nước số 1 và số 2.

b) Kiểm định đồng hồ đo nước lạnh:

b1) Thực hiện nghiêm chỉnh Luật Đo lường số 04/2011/QH13 ngày 11/11/2011 của Quốc hội;

b2) Thực hiện đúng Quy trình kiểm định đồng hồ đo nước lạnh theo Văn bản Kỹ thuật Đo lường Việt Nam ĐLVN 17:2017, Quy trình quản lý và kiểm định đồng hồ đo nước lạnh của Công ty và chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả thẩm định;

b3) Định kỳ hàng tháng tổng hợp số liệu công tác kiểm định đồng hồ báo cáo Giám đốc Công ty;

b4) Tiếp nhận và bảo quản vật tư thiết bị, công cụ dụng cụ, văn phòng phẩm, tem kiểm định đồng hồ phục vụ cho công tác kiểm định đồng hồ đo nước lạnh;

b5) Trường hợp tem kiểm định đồng hồ bị hỏng (tem ghi sai, tem bị rách) và phải thay tem khác, yêu cầu ghi chép cụ thể để làm báo cáo công tác kiểm định vào cuối tháng. Đối với việc mất và huỷ tem phải được lập thành biên bản, trong biên bản phải làm rõ các vấn đề sau: thời gian, nguyên nhân của việc mất và huỷ tem; số lượng, số tem huỷ, mất; cá nhân, tổ chức làm mất hoặc huỷ tem;

b6) Lưu giữ hồ sơ kiểm định đồng hồ theo quy định tại Quy trình quản lý và kiểm định đồng hồ đo nước lạnh của Công ty và phù hợp với tiêu chuẩn ISO 17025;

b7) Kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống giàn kiểm định đồng hồ đảm bảo vận hành liên tục và đủ điều kiện hoạt động theo quy định Nhà nước hiện hành;

b8) Thực hiện công tác vệ sinh súc rửa đồng hồ trước khi kiểm định; kiểm tra, sửa chữa, thay thế các phụ kiện đồng hồ hỏng; làm mới đồng hồ đảm bảo đúng kỹ thuật, thẩm mỹ;

b9) Dự trù vật tư thực hiện công tác kiểm định và vệ sinh súc rửa đồng hồ kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng;

b10) Đề xuất các biện pháp cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng công việc.

Điều 7. Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Vi tính

      1. Chức năng:

a) Quản lý, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty;

b) Trực tiếp tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động sản xuất kinh doanh theo nhiệm vụ được giao.

      2. Nhiệm vụ:

a) Nghiên cứu xây dựng định hướng phát triển công nghệ thông tin; xây dựng kế hoạch dài hạn và hàng năm về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại Công ty;

b) Tổ chức thực hiện kế hoạch hàng năm về phát triển ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nhu cầu, chiến lược, quy hoạch theo phê duyệt của Chủ tịch HĐQT Công ty;

c) Thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành, sửa chữa và hướng dẫn sử dụng hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin, mạng máy tính nội bộ, phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng trong toàn Công ty đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, hiệu quả;

d) Thực hiện việc thu thập, lưu trữ, xử lý và đảm bảo an toàn số liệu, thông tin phục vụ công tác sản xuất kinh doanh theo sự chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty;

đ) Quản trị cơ sở dữ liệu, chủ trì thực hiện kết nối, trao đổi dữ liệu hệ thống mạng máy tính nội bộ (mạng LAN) giữa các Phòng nghiệp vụ, Tổ Đội sản xuất và Xí nghiệp trực thuộc đảm bảo các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin của Công ty hoạt động liên tục, không bị gián đoạn;

e) Có kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng tháng hệ thống mạng máy tính nhằm phát hiện và giải quyết sửa chữa kịp thời những lỗi về phần cứng và phần mềm máy tính;

g) Thường xuyên cập nhật và cài đặt vào hệ thống máy tính của Công ty những phiên bản mới diệt virut máy tính;

h) Xây dựng, phát triển và đảm bảo hoạt động cho trang thông tin website của Công ty trên mạng Internet;

i) Lập kế hoạch trình Chủ tịch HĐQT, Ban điều hành Công ty xem xét việc nâng cấp, hoàn thiện lại các phần mềm đang áp dụng tại Công ty mà không làm ảnh hưởng đến cơ sở dữ liệu đã có nếu xét thấy phần mềm đó không đảm bảo các tiêu chuẩn và điều kiện phù hợp với tổ chức hoạt động và yêu cầu quản lý của Công ty;

k) Có kế hoạch liên hệ mua sắm, trang bị thêm hoặc lập dự trù vật tư sửa chữa cho hệ thống mạng máy vi tính Công ty nếu có yêu cầu;

l) Tập huấn, triển khai các phần mềm ứng dụng cho các Phòng nghiệp vụ, Xí nghiệp trực thuộc và hỗ trợ kỹ thuật đảm bảo cho các phần mềm ứng dụng hoạt động liên tục;

m) Tổ chức thực hiện, báo cáo định kỳ, đánh giá tổng kết việc thực hiện các kế hoạch về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty;

n) Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và các phương tiện, trang thiết bị của Công ty theo quy định;

o) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty giao.

Điều 8. Chức năng, nhiệm vụ của Đội Vận hành

      1. Chức năng:

a) Sản xuất nước sạch đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định;

b) Quản lý Trạm bơm, bể chứa nước;

c) Thi công lắp đặt công nghệ các trạm bơm.

      2. Nhiệm vụ:

a) Vận hành, bảo dưỡng máy bơm, trạm bơm, bể chứa, Nhà máy xử lý nước Phú Tài theo đúng quy trình kỹ thuật, theo lịch vận hành được Chủ tịch HĐQT, Ban điều hành Công ty phê duyệt cho từng kỳ (mùa nắng, mùa mưa và các sự cố về điện và máy bơm);

b) Theo dõi mực nước tĩnh, động của các giếng bơm và theo dõi chất lượng nước tại các Trạm bơm giếng, Trạm bơm cấp II, Nhà máy xử lý nước Phú Tài;

c) Chịu trách nhiệm bảo vệ tài sản tại Trạm bơm;

d) Hướng dẫn, đào tạo tay nghề tại chỗ cho công nhân của Đội Vận hành;

đ) Thực hiện vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn nguồn nước tại Trạm bơm; báo cáo kịp thời cho Giám đốc Công ty ngay khi phát hiện có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước;

e) Trồng, chăm sóc cây xanh, cây ăn trái tạo cảnh quang Xanh-Sạch-Đẹp cho các Trạm bơm và Nhà máy xử lý nước Phú Tài;

g) Sửa chữa, bảo trì hệ thống điện chiếu sáng và sửa chữa các hư hỏng nhỏ khác của các Trạm bơm.

Điều 9. Chức năng, nhiệm vụ của Đội Kiểm tra-Quản lý-Xây dựng hệ thống cấp nước

      1. Chức năng:

a) Tuần tra, quản lý, sửa chữa hệ thống đường ống cấp nước từ các trạm bơm đến hộ sử dụng nước và sửa chữa đường ống cấp nước bị hư hỏng, tắc nghẽn,...;

b) Thi công xây lắp các công trình đường ống cấp nước được Công ty giao; các công trình hạ tầng kỹ thuật, xây dựng dân dụng do Công ty giao và nhận thầu;

c) Kiểm tra việc thực hiện Hợp đồng dịch vụ cấp nước của khách hàng; thực hiện Nội quy lao động, việc chấp hành các quy chế của người lao động Công ty;

d) Kiểm tra, di dời, thay thế đồng hồ đo nước;

đ) Ghi chỉ số đồng hồ và thu tiền nước sử dụng nước sạch của khách hàng;

e) Bố trí các loại xe ô tô, xe máy chuyên dùng.

      2. Nhiệm vụ:

      a) Tuần tra, quản lý, sửa chữa hệ thống cấp nước:

a1) Thực hiện công tác tuần tra, quản lý hệ thống đường ống cấp nước từ các trạm bơm đến hộ sử dụng nước; kiểm tra và giải quyết dời chuyển các đường ống, kiểm tra các đường ống lắp đặt không đúng quy phạm kỹ thuật, vi phạm quy chế quản lý hệ thống sản xuất, cung cấp và sử dụng nước máy;

a2) Kiểm tra phát hiện và sửa chữa kịp thời những đường ống cấp nước rò rỉ hư hỏng trước đồng hồ đo lưu lượng nước và trước các điểm đấu nối;

a3) Đề xuất thay thế cải tạo các tuyến ống cũ, thay thế lắp đặt bổ sung và bảo dưỡng định kỳ thiết bị quản lý trên mạng lưới;

a4) Phối hợp Tổ Quản lý hệ thống cấp nước và Phòng Kỹ thuật đề ra các biện pháp hợp lý để khắc phục nhanh nhất, hiệu quả nhất những điểm rò rỉ được phát hiện (thay thế, sửa chữa ống và thiết bị hoặc hủy bỏ);

a5) Xả cặn đường ống cấp nước định kỳ hàng tuần, xả cặn đột xuất khi hộ sử dụng nước thông báo và lắp đồng hồ để xác định lượng nước xả cặn;

a6) Hướng dẫn đào tạo tại chỗ cho công nhân của Đội.

      b) Thi công xây lắp công trình:

b1) Định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình, đề xuất các biện pháp thay thế, sửa chữa mạng lưới đường ống cấp nước và công trình trên mạng;

b2) Thi công xây lắp các công trình hệ thống đường ống cấp nước và các công trình hạ tầng kỹ thuật, xây dựng dân dụng do Công ty nhận thầu, Công ty giao theo đúng thiết kế, dự toán được duyệt;

b3) Tổ chức nghiệp thu khối lượng thi công xây lắp hệ thống cấp nước và các công trình hạ tầng kỹ thuật, xây dựng dân dụng do Đội thi công theo đúng quy định Nhà nước;

b4) Tổ chức điều hành và thi công các công trình theo quy định của Nhà nước;

b5) Bảo quản và sử dụng có hiệu quả các phương tiện kỹ thuật, dụng cụ làm việc, thiết bị vật tư do Công ty trang bị để phục vụ sản xuất;

b6) Quản lý, sử dụng hợp lý các loại vật tư trong công tác xây lắp các công trình;

b7) Thường xuyên kiểm tra và thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường;

b8) Thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn và bảo hộ lao động theo quy định hiện hành.

      c) Kiểm tra việc thực hiện Hợp đồng dịch vụ cấp nước của khách hàng và nội quy, quy chế của người lao động Công ty:

c1) Kiểm tra việc thực hiện Hợp đồng dịch vụ cấp nước của khách hàng;

c2) Kiểm tra hệ thống cấp nước, phát hiện và đề xuất những biện pháp xử lý sự cố gây ra thất thoát nước nhằm giảm tỉ lệ thất thoát nước;

c3) Kiểm tra phát hiện, lập biên bản những hộ sử dụng nước sạch không có Hợp đồng dịch vụ cấp nước do Công ty quản lý;

c4) Kiểm tra, lập biên bản những tổ chức hoặc cá nhân vi phạm hệ thống đường ống cấp nước do Công ty quản lý và đề xuất biện pháp xử lý đối với từng trường hợp cụ thể;

c5) Kiểm tra lập Biên bản khách hàng vi phạm Hợp đồng dịch vụ cấp nước và các vi phạm khác về quản lý hệ thống cấp nước, chịu trách nhiệm về việc lập biên bản và đề xuất biện pháp xử lý đối với từng trường hợp cụ thể;

c6) Tổ chức thực hiện công tác kiểm tra định kỳ chương trình kế hoạch đã được Chủ tịch HĐQT Công ty hoặc người được uỷ quyền thông báo hàng tháng;

c7) Thực hiện kiểm tra khi Phòng Kinh doanh có yêu cầu cụ thể đối với các trường hợp đồng hồ có dấu hiệu không đảm bảo kỹ thuật bên ngoài (đứt niêm chì, biến dạng) và các trường hợp khác có dấu hiệu gian lận của khách hàng sử dụng nước;

c8) Kiểm tra đột xuất về mặt nghiệp vụ ghi chỉ số đồng hồ tiêu thụ nước, chu kỳ đọc chỉ số đồng hồ;

c9) Kiểm tra công tác thu tiền nước, gửi thông báo nộp tiền nước, thời gian thu và nộp tiền nước theo quy định của Công ty;

c10) Kiểm tra việc thực hiện quy định về việc lắp mới đồng hồ đo nước;

c11) Kiểm tra công tác thi công, sửa chữa lắp đặt hệ thống đường ống cấp nước, di dời, thay đổi đồng hồ nước đảm bảo tuân thủ các quy định về tiến độ, yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật công trình, khối lượng, chất lượng vật tư, thiết bị theo bản thiết kế dự toán đã được duyệt để đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách hàng;

c12) Phối hợp cùng Phòng TCHC-LĐTL kiểm tra thực hiện Nội quy lao động, việc chấp hành các quy chế của người lao động Công ty.

      d) Kiểm tra, di dời, thay thế đồng hồ đo nước:

d1) Thực hiện kiểm tra, lập dự trù sửa chữa, thay thế các đồng hồ đo nước không còn tính năng đo đếm; di dời những đồng hồ của khách hàng sử dụng nước ra phía trước để thuận tiện trong công tác quản lý;

d2) Thực hiện lệnh ngừng cung cấp nước những hộ có thông báo ngừng cung cấp nước;

d3) Tháo, lắp các đồng hồ đo nước để phục vụ cho việc kiểm định và báo cáo số liệu cho Phòng Kinh doanh;

d4) Dự trù vật tư sửa chữa, thay thế những đồng hồ hư hỏng của khách hàng.

đ) Ghi chỉ số đồng hồ và thu tiền nước sử dụng nước sạch của khách hàng.

đ1) Đọc và ghi chỉ số đồng hồ các hộ sử dụng nước (ghi đúng, ghi đủ theo thời gian quy định của Công ty);

đ2) Kiểm tra phát hiện đồng hồ đo nước bị sự cố như: đứt niêm chì, đứt vành kẹp, nứt, vỡ mặt kính hoặc chạy nhanh do vỡ ống sau đồng hồ,... để khách hàng biết và báo cáo kịp thời cho Phòng Kinh doanh tổ chức kiểm tra và giải quyết;

đ3) Thu tiền khách hàng sử dụng nước đúng theo số tiền ghi trên biên nhận thanh toán được in từ app ghi và app thu, nộp đúng số tiền thu được và đúng thời gian quy định của Công ty;

đ4) Đối chiếu hàng ngày, hàng tháng về công tác thu, nộp tiền với Phòng Kinh doanh;

đ5) Kiểm tra, đề xuất di dời những đồng hồ của khách hàng sử dụng nước ra phía trước để thuận trong công tác quản lý, ghi chỉ số đồng hồ, giảm thất thoát; báo Phòng Kinh doanh điều chỉnh địa chỉ, mục đích sử dụng nước của khách hàng kịp thời.

      e) Điều động các loại xe ô tô, xe máy chuyên dùng:

e1) Bố trí các lái xe tham gia phục vụ công tác sản xuất kinh doanh của Công ty khi có yêu cầu;

e2) Kiểm tra bảo dưỡng các xe ô tô, xe máy chuyên dùng luôn trong tình trạng sử dụng tốt nhất, đảm bảo hoạt động an toàn;

e3) Sử dụng xe đúng kế hoạch, không sử dụng xe vào việc riêng cá nhân; tuân thủ các quy định, quy tắc về an toàn giao thông;

e4) Bảo đảm tuyệt đối trong quá trình vận hành, sử dụng xe, theo dõi lịch trình và tình hình hoạt động của xe.

Điều 10. Chức năng, nhiệm vụ của Đội Quản lý máy móc thiết bị

      1. Chức năng: Bảo dưỡng, sửa chữa các loại thiết bị trạm bơm và thổi rửa, bảo dưỡng giếng nước ngầm;

      2. Nhiệm vụ:

a) Bảo dưỡng định kỳ và sửa chữa các hư hỏng đột xuất các loại máy móc thiết bị tại khu vực TP-Quy Nhơn và địa bàn Xí nghiệp cấp nước số 1 và số 2 như sau:

a1) Các máy bơm trục ngang tại khu tăng áp, Nhà máy xử lý nước Phú Tài và các Nhà máy XLN tại Xí nghiệp cấp nước số 1 và số 2;

a2) Các máy bơm chìm tại các giếng bơm; máy nén khí phục vụ cho công tác súc xả đường ống và thổi rửa các giếng bơm.

b) Sửa chữa, bảo dưỡng các loại công cụ, máy công cụ phục vụ việc sửa chữa và thổi rửa các giếng bơm;

c) Bảo quản các loại công cụ, dụng cụ và các loại vật tư được giao;

d) Gia công cơ khí các phụ kiện, vật tư... để phục vụ cho công tác sửa chữa và thổi rửa các giếng bơm.

Điều 11. Chức năng, nhiệm vụ của Tổ Kỹ thuật điện

      1. Chức năng:

a) Quản lý, kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống điện toàn Công ty;

b) Thi công lắp đặt máy móc, thiết bị điện theo yêu cầu.

      2. Nhiệm vụ:

a) Tổ chức, bố trí, sắp xếp người lao động trong Tổ quản lý đảm bảo an toàn, hiệu quả hệ thống điện toàn Công ty theo đúng quy trình, quy phạm của ngành điện và của Công ty ban hành;

b) Quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản, phương tiện, thiết bị, vật tư do Công ty trang bị phục vụ yêu cầu sản xuất kinh doanh;

c) Chịu trách nhiệm lập kế hoạch, dự toán, khối lượng công việc, tiến độ và nhu cầu vật tư thiết bị phục vụ cho công tác duy tu, bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa lớn và thường xuyên toàn bộ hệ thống điện của Công ty;

d) Phối hợp với các bộ phận liên quan thường xuyên kiểm tra tình trạng thiết bị điện của các công trình kiến trúc xây dựng toàn Công ty; phát hiện và xử lý kịp thời những hư hỏng nhỏ và đề xuất lập phương án xử lý các hư hỏng nghiêm trọng để Ban điều hành Công ty xem xét giải quyết;

đ) Kiểm tra, sửa chữa và bảo dưỡng hệ thống điện các trạm bơm giếng, trạm bơm tăng áp, Nhà máy Xử lý nước của Công ty, Xí nghiệp cấp nước số 1 và số 2 bao gồm: các thiết bị điện, các tủ điện, đường dây và các trụ điện (sau trạm biến áp);

e) Giám sát việc sử dụng các thiết bị điện và toàn bộ mạng cung cấp điện phục vụ sản xuất kinh doanh toàn Công ty đảm bảo hiệu quả, an toàn, tin cậy; đề xuất các giải pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm tiết kiệm điện năng;

g) Thường xuyên kiểm tra và thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường.

Điều 12. Chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc

      1. Xí nghiệp cấp nước số 1 hoạt động theo Quy định làm việc của Xí nghiệp cấp nước số 1 ban hành kèm theo Quyết định số 278/QĐ-CTN ngày 25/10/2022 của HĐQT Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Định.

      2. Xí nghiệp cấp nước số 2 hoạt động theo Quy định làm việc của Xí nghiệp cấp nước số 2 ban hành kèm theo Quyết định số 279/QĐ-CTN ngày 25/10/2022 của HĐQT Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Định.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 Điều 13. Trách nhiệm thi hành

Trưởng và Phó các Phòng nghiệp vụ, Tổ Đội sản xuất; Giám đốc, Phó Giám đốc, Phụ trách Kế toán các Xí nghiệp trực thuộc và người lao động trong toàn Công ty chịu trách nhiệm thực hiện Quy định này.

Điều 14. Hiệu lực thi hành

Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký quyết định ban hành.

Điều 15. Tổ chức thực hiện

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, trở ngại cho tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty, Trưởng các bộ phận tham mưu cho Chủ tịch HĐQT (qua phòng TCHC-LĐTL) xem xét và quyết định việc sửa đổi, bổ sung./.

 

Chủ tịch Hội đồng quản trị - Nguyễn Văn Châu

                                                                                                                                             ĐÃ KÝ